Chào mừng bạn đến với website www.sanbdscongnghiep.vn

  • Hotline

    0913.040.789
  • Email

    congtytoplandhp@gmail.com
Định hướng phát triển cụm công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường

Định hướng phát triển cụm công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường

  • Ngày đăng : 21/12/2022
  • /
  • 60 lượt xem

Các CCN làng nghề đã góp phần tích cực di dời các doanh nghiệp, cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường.

Sự hình thành và phát triển của các CCN thời gian qua đã góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy nhanh tốc độ phát triển công nghiệp, tạo thêm nhiều việc làm mới cho người lao động; thúc đẩy tiếp cận và đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực quản lý; nâng cao mức tăng trưởng GDP, giá trị xuất khẩu, số thu ngân sách và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, việc phát triển CCN thường gắn liền với di dời, sắp xếp, thu hút các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các cá nhân hộ gia đình ở mỗi địa phương vào đầu tư sản xuất, kinh doanh trong khu vực tập trung. Tuy nhiên, bên cạnh việc tạo ra sản phẩm thì hoạt động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong CCN cũng tạo ra một khối lượng lớn các chất thải như: Nước thải, chất thải rắn, khí thải, chất thải nguy hại… Và theo đánh giá, công tác bảo vệ môi trường tại các CCN hiện còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập. Cụ thể:

  • Các CCN thiếu quy hoạch hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường
  • Các CCN hầu như chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM)
  • Vấn đề xử lý chất thải tại các CCN còn nhiều bất cập và hạn chế
  • Các CCN hiện chưa phân định phân khu chức năng, hạ tầng giao thông chắp vá, chưa đảm bảo tỷ lệ diện tích cây xanh, thảm cỏ.

Theo ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Công Thương, cho biết đến nay có 42 địa phương đã ban hành, thực hiện chính sách hỗ trợ cụm công nghiệp. Đồng thời, các doanh nghiệp tận dụng ưu thế của từng địa phương, ưu tiên thu hút các ngành nghề có hàm lượng công nghệ cao trong sản xuất.

Trong đó, có 13 địa phương ban hành chương trình, nghị quyết hỗ trợ riêng đối với cụm công nghiệp giai đoạn đến năm 2025. Một số địa phương tiêu biểu là Cao Bằng, Bắc Kạn, Hòa Bình, Hà Nam, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Quảng Trị, Quảng Nam, Đắk Lắk, Đồng Nai, Bình Phước, Đồng Tháp và Bến Tre.

Các cơ chế, chính sách quản lý phát triển cụm công nghiệp sẽ coi trọng yếu tố phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Ngoài ra, chính sách hỗ trợ cụm công nghiệp của các địa phương chủ yếu tập trung vào các nội dung, hạng mục hạ tầng thiết yếu. Điều này góp phần phát triển sản xuất công nghiệp như quy hoạch chi tiết xây dựng, đền bù giải phóng mặt bằng, giao thông, xử lý nước thải tập trung, cấp điện, cấp thoát nước, di dời vào cụm công nghiệp.

Thực hiện trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước về CCN trên phạm vi cả nước, Bộ Công Thương tăng cường chỉ đạo UBND cấp tỉnh quản lý chặt chẽ, đúng quy định đối với phát triển CCN từ khâu lập Phương án phát triển CCN tích hợp vào quy hoạch tỉnh, thành lập, đầu tư xây dựng hạ tầng đến hoạt động của các CCN; định kỳ kiểm tra, đánh giá việc chấp hành các quy định, chính sách quản lý, phát triển CCN tại các địa phương; chỉ đạo xử lý ô nhiễm môi trường, nhất là rác thải, nước thải tại các CCN; xử lý dứt điểm đối với CCN hoạt động nhưng không chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường (đặc biệt là các CCN hình thành trước Quyết định 105/2009/QĐ-TTg).

Rõ ràng, việc đẩy mạnh phát triển CCN gắn với bảo vệ môi trường sẽ tạo thêm nền tảng vững chắc cho phát triển công nghiệp - trụ cột của phát triển kinh tế - xã hội đất nước, do đó để đạt được mục tiêu phát triển bền vững, các Bộ, ngành và mỗi địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý môi trường đối với các CCN trong thời gian tới.

Nguồn: consosukien.vn

 

  • congtytoplandhp@gmail.com
  • 0913.040.789
0913.040.789